fbpx
Home » CHỤP ẢNH CƯỚI ĐẸP DỄ HAY KHÓ ?  

CHỤP ẢNH CƯỚI ĐẸP DỄ HAY KHÓ ?  

Lớp học của mình và Cộng Đồng Nhiếp Ảnh Bow101 không phải là lớp học chuyên chụp cưới. Mình hướng dẫn đủ mọi thể loại từ chân dung đến quảng cáo, từ studio đến thời trang, đời thường .v.v.. Tuy nhiên nhiều người học ra là làm cưới thành công dẫn đến sự lan toả làm nhiều người vào học chỉ vì chụp cưới. Bản thân mình bao giờ muốn hay nhận là một người chụp hình cưới vì nhiếp ảnh thì bao la không chỉ có hình cưới, cũng như tham vọng về nhiếp ảnh của mình cũng không nằm ở hình cưới. Tuy nhiên mình vẫn chụp cưới và coi nó như một trong những lĩnh vực để trải nghiệm và thực hành nhiếp ảnh. Từ khoá 1 năm 2012 đến nay trong các lớp của Bow101 mình giới thiệu cho mọi người nhiều người chụp cưới trên thế giới và nhiều tổ chức hội nhóm chụp cưới trên thế giới nhưng bản thân mình chưa bao giờ gia nhập vào các hội nhóm đó vì nhiều lý do. Mình sẽ liệt kê những lý do đó cho mọi người tham khảo.

Photo: Harry Benson

HÌNH CƯỚI NHÀM CHÁN  

Thế giới nhiếp ảnh rất rộng lớn, với muôn vàn thể loại. Nào là đời thường, streetlife, ảnh tư liệu documentary, ảnh thiên nhiên, ảnh thời trang .v.v.v ở mỗi thể loại lại có các photographer có tính cách và ngôn ngữ thể hiện khác nhau. Có những người chụp trần trụi và ngột ngạt như James Natchwey thì cũng có những người lắng động nhẹ nhàng Henrri Catier Bresson. Có những người chụp nặng về concept ideas như Annie Leibovitz thì lại có những người chụp tự nhiên phóng khoáng như Harry Benson…. Tính cách, sự trải nghiệm cuộc sống và sự trải nghiệm nhiếp ảnh của photographer sẽ có thể quyết định được cá tính hình ảnh khác biệt của họ.

Tuy nhiên đối với hình cưới thì hầu như chưa có một ai được đánh giá là có ngôn ngữ riêng trong hình cưới. Những photographer lớn được vinh danh trên thế giới chả có ai là chụp cưới cả. Những người được vinh danh thường là những người chụp tư liệu, báo chí, thời trang, mâu thuẫn xã hội, đời thường, thiên nhiên…Những hình ảnh họ chụp là kết quả của việc ghi chép lại các vấn đề, các câu chuyện và các ý tưởng đó theo cách nhìn nhận và cảm nhận riêng và độc đáo của họ. Hình ảnh của họ nêu lên được các vấn đề của xã hội, của thế giới, nêu lên được các suy nghĩ cảm xúc riêng thể hiện được thế giới quan của họ. Thế giới đánh giá cao những cách nhìn nhận như vậy.

Trong khi hình cưới bản chất là chỉ là ghi nhận lại một event, một sự kiện hoặc một đám cưới hoặc một cặp đôi nào đó. Và hầu như đám cưới nào cũng giống nhau về tính sự kiện. Trình tự na ná nhau, khoảnh khắc cũng na ná nhau. Ngày nay không khó để ta có thể luớt một vòng qua các website , các diễn đàn của các “tổ chức” hình cưới trên thế giới. Tất cả hình Couple / Engagement đều có một màu sắc na ná nhau, không là màu film kiểu vintage nhẹ nhàng thì là màu sắc tương phản với kịch tính mạnh. Không là kiểu ôm nhau gục đầu thì cũng là người đứng trước người đứng sau hoặc năm tay xoay một vòng ..,bố cục và góc chụp cũng na ná nhau. Điều đó thực sự gây nhàm chán. Nếu là hình phóng sự ngày cưới thì khoảnh khắc cũng na ná nhau, cách chụp cũng na ná nhau. Lên website các tổ chức ảnh cưới thế giới nhìn lướt qua sẽ thấy hình này khoảnh khắc này cũng có người từng chụp giống vậy, màu sắc ánh sáng này cũng ná ná với bao nhiêu hình khác. Đó là điều gây nhàm chán.

Có thể đọc tới đây nhiều bạn chụp cưới sẽ nhảy dựng lên và nói rằng hình cưới cũng có “giá trị nghệ thuật”, hình cưới cũng có “ngôn ngữ thể hiện” riêng, cũng có phong cách này phong cách nọ. Điều đó ĐÚNG. Không hề sai. Tuy nhiên chúng ta cần thực sự HIỂU RÕ về cái mà cả các bạn và chính mình đang cùng nhau bảo vệ.

ẢNH ĐẸP DỄ HAY KHÓ ? 

Hãy cùng bỏ qua tất cả các yếu tố kỹ thuật về ánh sáng về bố cục, về việc làm chủ thiết bị… vì đó là những cái CƠ BẢN cho bất cứ một ai cầm máy. Với caí cách mà tất cả mọi người trên thế giới đang chụp thì việc chụp cưới VÔ CÙNG DỄ. Nó dễ dàng hơn tất cả mọi thể loại khác. Vì sao ?

Một người thầy của mình từng nói về chụp cưới : Đi chụp prewedding thì CDCR chính là những người ta đã biết trước, đã tiếp xúc, đã nói chuyện và tương tác, họ trả tiền để cho ta chụp, nên ta hoàn toàn có thể điều khiển được họ. Ta biểu họ đứng là họ sẽ đứng, họ ngồi thì họ sẽ ngồi. Ta hoàn toàn CHỦ ĐỘNG mọi thứ kể cả thời gian và địa điểm. Nó hoàn toàn khác với khi ta đi chụp những thể loại hay đề tài khác có nhiều yếu tố BỊ ĐỘNG hay bất ngờ, những thể loại mà có nhiều đòi hỏi cao hơn về việc quan sát và phán đoán tình huống. Còn đối với một đám cưới. Ta luôn biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, thậm chí biết trước mấy giờ CDCR bước vào, họ sẽ đứng đó bao nhiêu phút bao nhiêu giây, rồi tiếp theo họ sẽ làm gì …. Khi ta hoàn toàn CHỦ ĐỘNG và biết trước chủ thể, biết trước khoảnh khắc và diễn biến thì việc chụp ra ẢNH ĐẸP là bắt buộc. Nếu chụp mà không ra ẢNH ĐẸP nữa thì nên bỏ nghề làm nghề khác. ẢNH ĐẸP là một chuyện, ẢNH HAY hay không lại là một chuyện khác.

Khi ẢNH ĐẸP là yếu tố CƠ BẢN và DỄ DÀNG để có được trong hình cưới, thì ẢNH HAY mới là cái để ta trau dồi luyện tập để đạt được. Vậy ẢNH HAY là ảnh thế nào? ẢNH HAY trước hết đã phải là một ảnh đẹp. Cái đẹp ở đây bao gồm cả hình thức lẫn nội dung, nó mang giá trị thông tin cao về tính cách, về khoảnh khắc, về không gian thời gian. Nó gây được sự tò mò cho người xem. Nó không phải là những hình ảnh rập khuôn quen thuộc mà ta từng thấy ở rất nhiều ở nhiều đám cưới khác, ở nhiều người chụp khác dù đó là ở VN hay trên thế giới, dù đó là của người chụp nổi tiếng hay không nổi tiếng…Để có được ẢNH ĐẸP chỉ cần ta đi dự vài đám cưới để hiểu quy trình hoặc học lại quy trình và công thức từ một người chụp có kinh nghiệm nào đó. Nhưng để có ẢNH HAY ta cần một sự nhìn nhận đúng đắn về những gì ta chụp. Sau đó tôi luyện bằng một sự trải nghiệm thực tế với một định hướng quyết đoán ở trong đầu. Một người chụp ảnh hay không bao giờ là người hôm nay chụp kiểu của người này, mai chụp kiểu của người khác, một người chụp ảnh hay là người đã xác định rõ được quan điểm và giá trị hình ảnh của mình như thế nào và hiểu rõ cần thực hành điều gì để đạt được giá trị đó trong hình ảnh.

( Bạn có thể tham khảo thêm bài viết “3 Yếu Tố Tạo Nên Giá Trị Hình Ảnh” trên Bow101 để rõ thêm về ý này )

VẬY GIÁ TRỊ CỦA HÌNH CƯỚI Ở ĐÂU ? 

Ở đây mình nói đến những “giá trị nhiếp ảnh” trong hình cưới trước. Những “giá trị thương mại” của hình cưới sẽ đề cập sau ở một bài viết khác.
Mình nghĩ rằng việc bạn tìm kiếm học hỏi để có thể có được cách thể hiện này, cách thể hiện kia, kỹ thuật này, phương pháp nọ sẽ không giúp bạn phát triễn bằng chính thời gian bạn tự trả lời những câu hỏi cho chính mình. Những câu hỏi vô cùng đơn giản như:
Nhiếp ảnh là gì ? Giá trị hình ảnh nằm ở đâu ? Hình cưới như thế nào thế nào là đẹp là hay đối với bạn ? Bạn thiếu yếu tố nào và phải khắc phục điều gì để có thể có được những ảnh đẹp, ảnh hay đó ? Chúng ta hãy cùng trả lời các câu hỏi trên và liên hệ nó với việc chụp cưới thế nào nhé ?
Photo: Harry Benson

Khi sáng chế ra chiếc máy ảnh thời sơ khai, người ta cũng chưa ý thức được những giá trị tư duy gì khi sử dụng chiếc máy ảnh. Người ta coi nó như một như một cái thiết bị công nghệ cũng như 1 cái quạt máy, một chiếc xe, một cái điện thoại hay một cái máy in máy photocopy sau này. Lúc tạo ra cái máy họ nghĩ rằng họ đang tạo ra một công cụ kỹ thuật như một cái máy chụp X quang không hơn không kém.
Nhưng qua việc ghi nhận hình ảnh của máy ảnh, nó vô tình dẫn đến giá trị đầu tiên của nhiếp ảnh chính là ghi nhậnlưu giữ sự việc. Đó chính là khái niệm đầu tiên về DOCUMENTARY – ảnh tư liệu. Máy ảnh ghi lại những chủ thể ở tại thời điểm nhất định và có một giá trị lưu trữ khá lớn. Giống như ta ngồi đây và thích thú với những hình ảnh của thành phố ta sống từ nhiều năm trước. Giống như ta thích thú với những hình cưới của cha mẹ chúng ta. Qua đó ta thấy được nhiều năm trước cuộc sống thế nào, cha mẹ ta ra sao, nhà cửa đường phố thế nào.

Khi máy ảnh phát triển hơn một bậc thì máy ảnh có thể gi lại những KHOẢNH KHẮC chỉ xảy ra trong vòng một phần trăm, phần ngàn giây… Để rồi ta thích thú với những hình ảnh mang tích khoảnh khắc như vậy. Và đó cũng là nền tảng đầu tiên cho các thể loại ảnh phóng sự. Người phóng viên ( Journalist ) không còn tường thuật sự việc bằng chữ nữa mà đã có những hình ảnh tường thuật rõ ràng và sinh động hơn của các phóng viên ảnh ( Photo Journalist )

Xã hội phát triễn và con người tương tác tìm hiểu nhau bằng nhiều hình thức. Con người tương tác với thiên nhiên với cuộc sống và với các mối quan hệ xã hội bằng nhiều hình thức giao tiếp và tương tác khác nhau. Có cái tích cực và có cái tiêu cực. Và nhiếp ảnh vô tình trở thành một công cụ tương tác đầy tính tích cực nếu xét về ý nghĩa và mục đích của việc chụp. Bạn chọn công việc cầm máy ảnh và chụp người khác chứ không chọn ngồi làm thơ hay viết Code trên máy tính tức là bạn đã có xu hướng muốn được TƯƠNG TÁC với người khác. Và còn gì thú vị hơn khi bạn tương tác với con người, với cuộc sống, có được nhiều trải nghiệm thú vị và còn có một sản phẩm lưu trữ lại việc đó. Sản phẩm đó có thể kể cho người khác về chủ thể của bạn đồng thời nói lên được quan điểm và cách nhìn nhận sự việc của bạn. Đó là lý do khi bạn từng xem bất kỳ cuộc phỏng vấn các nhiếp ảnh gia huyền thoaị nào họ đều nói rằng nhiếp ảnh là CỘNG CỤ để họ thể TƯƠNG TÁC với người khác, rằng nhiếp ảnh là NGÔN NGỮ của họ. Giá trị Storytelling ở đây không còn chỉ là việc miêu tả sự vật sự việc có gì nữa. Nó có thể là một cuốn nhật ký với cảm nhật ký với cảm nhận rất riêng của bạn.

Tạm thời sẽ không nói gì thêm về mấy thứ học thuật sâu xa để trở về với thực tại của ….hình cưới.
Một đám cưới trước tiên nó là một event, một sự kiện cần LƯU GIỮ và TƯỜNG THUẬT bằng hình ảnh. Cho nên khi ta hiểu rõ về nó ta sẽ không bao giờ phải đi hỏi người khác nên chụp một đám cưới ra sao? Cái chúng ta cần hỏi là cái đám cưới đó như thế nào ?

Có nhiều người chụp ảnh cưới đưa ra công thức này phương pháp nọ để chụp một đám cưới. Mình lại muốn nhấn mạnh về giá trị thực sự của ảnh cưới, còn bạn bè hay học viên chọn cách tiếp cận nào thì tuỳ vào nhận thức của mỗi người. Vì đó mới là giá trị của Nhiếp Ảnh.

Lấy ví dụ. Có những chụp cưới nổi tiếng vẫn thường lên mạng than vãn rằng hình ảnh của họ Tây quá, Mỹ quá nên khách hàng không chấp nhận. Cô dâu chú rể hài lòng nhưng ông bà cha mẹ không hài lòng vì họ chụp cắt tay cắt chân cắt đầu. Ông bà cha mẹ chê hình cưới vì họ là người nhà quê không hiểu “phong cách này trường phái kia” nó “ngầu” thế nào. Họ đổ cho thị trường cho khách hàng có thẩm mỹ kém nên không hiểu “Phóng Sự Cưới” là gì. Họ tự đề cao bản thân là giúp thay đổi tư duy khách hàng….. Bản thân mình chỉ buồn cười vì mình cho rằng chính những phát biểu đó mới thực sự là người không hiểu được giá trị của nhiếp ảnh nói chung và hình cưới nói riêng.
Nếu như ta ý thức đám cưới là một event là một sự kiện vậy sự kiện này có ý nghĩa như thế nào? Nó là ngày mà hai gia đình họp mặt chung vui và chứng kiến lễ thành hôn. Ông bà, cha mẹ, bà con, bạn bè và đồng hương tập trung lại chúc mừng thì chính những người gìa người lớn tuổi thậm chí có vẻ quê mùa đó là những nhân vật chính của một đám cưới, họ là các yếu tố quan trọng và ý nghĩa của sự kiện chứ không riêng gì CDCR hay phụ dâu phụ rễ. Đây là dịp mà người già có cơ hội được ăn mặc chỉnh chu đẹp đẻ vì người già vốn ít có cơ hội đó. Đây là lúc họ tuổi tỉnh và vui mừng vì sau những ngày lủi thủi trong nhà với con cháu thì hôm đó họ được gặp anh em bà con đồng hương. Đó là niềm hạnh phúc của người già.
Những người chụp cưới bỏ qua những việc ghi về tầm quan trọng của những nhân vật đó mà chỉ bám vào chụp những khách mời ăn mặc đẹp, những nước ngoài, những khoảnh khắc độc đáo và nhí nhảnh.v.v. thì gia đình họ dù là ở nông thôn quê mùa hay ở thành phố hiện đại cũng đều sẽ không chấp nhận. Tất nhiên những nhân vật trẻ trung nhí nhảnh, những nhân vật thú vị kia đều là những yếu tố ấn tượng của một sự kiện và cần phải nhưng chỉ như vậy thì không phải là Tất Cả của một đám cưới. Đừng trách họ không hiểu gu của bạn. hãy trách bạn không thực sự hiểu được từ “phóng sự cưới” – Wedding Photojournalism” là gì.

Ngoài các yếu tố “ phóng sự” – Journalism thì một đám cưới còn mang yếu tố tư liệu – lưu trữ Documentary rất lớn. Những hình ảnh lưu niệm của CDCR và ông bà cha mẹ hai bên chính là những tấm ảnh họ sẽ trân trọng nhất. Đó là những hình ảnh họ sẽ in ra nhiều nhất. Đó là hình ảnh họ sẽ treo lên tường hoặc đóng khung làm lịch. Đó là những hình ảnh mà sau này con cái họ lớn lên sẽ nhìn vào đó để hiểu biết về gia đình mình gồm có ai. Theo mình đó là những hình ảnh quan trọng nhất mà bất cứ một người chụp cưới nào cũng nên ý thức rõ để có sự đầu tư phù hợp cho những hình ảnh đó. Bản thân mình luôn là người chụp những ảnh này trước rồi sau đó dù là giao ai chụp những ảnh này mình cũng đều ít nhất ghé qua check vài lần xem ánh sáng có tốt không ? Độ cao góc máy có phù hợp không ? Vì mình hiểu tầm quan trọng của những ảnh này ở đâu.

Cả hai giá trị thường thuật và lưu giữ của hình ảnh không cần phải phân chia ra rạch ròi hoặc làm quá nó lên bằng những khái niệm. Nhưng việc ý thức được điều đó chính là ý thức giá trị của hình ảnh. Từ đó sẽ giúp cho hình ảnh có giá trị hơn và bớt chiêu trò theo công thức vì chiêu trò cũng sẽ là thứ bị lỗi thời. Và người chụp theo công thức chỉ mãi mãi là thợ mà thôi.  

Photo: Harry Benson

Cách thể hiện hình ảnh có thể đa dạng nhưng bản chất nhiếp ảnh chỉ có một nên bạn hoàn toàn có thể dùng những yếu tố trên ở phóng sự cưới để tự trả lời cho mình về các giá trị của ảnh Couple hay Pre-Wedding. Sẽ chẳng có công thức nào hay một phương pháp nào để chụp ảnh ngoại cảnh. Chỉ có một bản chất duy nhất là bạn đang ghi nhận lại sự việc. Sự việc đó là chân dung, là hành động, là không gian thời gian hay những cảm xúc và cảm nhận chủ quan của bạn về chủ thể là cái bạn cần trả lời để biết rõ giá trị hình ảnh mà bạn muốn đạt được là gì. Thay vì bạn dành thời gian để coi hình cưới người này và học hình cưới của người kia. Mình khuyên các bạn nên xem 2 cuốn phim tài liệu hiện đang có sẵn trên Netfix. Một phim là “The B-Side” kể về quá trình chụp ảnh chân dung của Elsa Dorfman. Những tâm sự của bà sẽ cho các bạn nhận ra giá trị lưu trữ của hình chân dung đôi lúc là những thứ nhỏ nhặt mà ta bỏ qua mỗi ngày để tìm kiếm những giá trị ảo bởi trào lưu của thị trường. Phim thứ 2 là phim “Harry Benson – Shoot First” cũng trên Netlix. Qua những hình ảnh và câu chuyện của Harry Benson ta thấy được giá trị của những cảm nhận khác biệt để rồi chụp một cách tự do không ràng buộc bởi những quy tắc hay công thức. Dù Harry Banson cũng chụp những cái mà người ta chụp mỗi ngày. Hy vọng sau hai cuốn phim này bạn sẽ thấy những hình ảnh mà bạn đang theo đuổi trong hình cưới ngoại cảnh hay những khoảnh khắc trong hình “phóng sự cưới” mà bạn mong muốn ghi nhận thật sự có giá trị hay không ? Nó có khó chụp hay không ? Và đâu là đích đến mà bạn nhắm đến trong hình nhiếp ảnh này.

INSPIRATION và IMITATION

Những gì mình viết ở trên không dùng để cỗ xuý cho bạn trở thành một người nghệ sĩ, chụp không ai hiểu bạn chụp cái gì. Hoặc không quan tâm người khác nghĩ cái gì. Chúng ta hầu như ai cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi hình ảnh của một ai đó. Đó là điều chắc chắn. Tất cả những giá trị cốt lỏi của nhiếp ảnh cũng như những hình thức thể hiện của nhiếp ảnh mà chúng ta hướng đến hiện nay đều được những người khác thể hiện hết rồi. Đó chính là những người tạo ra những giá trị chuẩn mực cho nhiếp ảnh để rồi cả thế giới hướng theo hàng trăm năm nay. Nhưng bạn đừng hiểu lầm giữa giá trị hình ảnh và các cách thể hiện hình ảnh nhé. Giá trị bản chất của nhiếp ảnh chỉ có thể là một vài yếu tố nhưng cách thể hiện thì muôn vàng. Chúng ta học hỏi đi theo một cách thể hiện nào đó khác với việc chúng ta copy lại nó. Đó chính là sự khác nhau giữa INSPIRATIONIMITATION . Inspiration là lấy cảm hứng từ ai đó, trong khi Imitation là rập khuôn lại của ai đó.
Nếu như vì bài viết này quá dài để rồi khi đọc đến đây bạn đã coi 2 cuốn phim mình giới thiệu ở trên thì có thể bạn sẽ nhận ra rằng những hình ảnh pre-wedding/engagement/couple mà bạn xem hiện nay của mấy người chụp hình cưới trên thế giới cũng chỉ một kiểu một. Cũng là những hình ảnh simplicity khi đứng trước khung cảnh rộng. Cũng là những tư thế ôm nhau từ đằng sau, gục đầu vô nhau. Cũng là những cảnh tay nắm tay như đang nhảy đầm, cũng là những đôi giầy đôi dép khi chụp cận, Cũng là người đứng trước người đứng sau, người đi trước đi sau. Cũng là những cái nhắm mắt, cái ôm , cái hôn … như nhau. Cũng là những màu sắc cùng một mood như nhau. Không là nhẹ nhàng thì rực rỡ, không là rực rỡ thì cũng trắng đen kịch tính… Và hình phóng sự cưới cũng không ngoại lệ. Cũng là một kiểu bố cục layer này lớp lang kia. Cũng là một kiểu màu sắc khi chụp đèn màu mè, cũng là một kiểu ánh sáng tương phản .v.v.v Nhiều người nói rằng “phóng sự cưới” thì phải có bố cục như vậy và khoảnh khắc như vậy. Không, hình ảnh phóng sự không nhất thiết phải là hình ảnh có kịch tính cao. Ngay cả những người chụp streetlife, đời thường thậm chí chụp phóng sự chiến trường cũng có người hình ảnh mạnh mẽ, cũng có người hình ảnh lắng động tinh tế thậm chí hơi khó xem khó hiểu và gây nhàm chán khi mới nhìn thoáng qua. Chứ không phải cứ phóng sự thì phải kịch tính mạnh với layer lắt léo, framing xỏ lỗ lung tung, và hiệu ứng tiêu cự dạt dào lên thì mới gọi là ảnh phóng sự. Những hình ảnh đó chỉ có thể “hù” được những người thiếu cảm quan về nhiếp ảnh.
Nói như vậy không phải những hình kịch tính mạnh, những hình lắt léo hay những hình thơ mộng với tone màu film hoài cổ là vô bổ. Tất cả những hình đó đều tạo được hiệu ứng thị giác tốt cho người xem. Nhưng những hình ảnh đó sẽ bị nhạt nhoà theo thời gian. Hãy thử nghĩ đến những tấm ảnh pre-wedding hay phóng sự cưới như mình vừa mô tả. Hãy mở ra xem lại để xem bạn còn cảm giác thích thú đó hay không, hay bây giờ nó cũng như bao nhiêu hình ảnh khác mà bạn đã xem . Tấm ảnh đó liệu còn giá trị theo thời gian hay không ? Nếu không thì đó là những hình ảnh Imitation mà thôi.

Chúng ta học hỏi là lấy cảm hứng ( Inspiration ) từ những tư tưởng nhiếp ảnh lớn của thế giới để từ đó với tính cách, với suy nghĩ và với trải nghiệm của chúng ta, chúng ta sẽ có những ngôn ngữ của riêng mình. Và đó sẽ chính là cách học và thực hành nhiếp ảnh một cách đúng đắn chứ không phải là đi sao chép rập khuôn cách thể hiện của người khác.

NHIẾP ẢNH LÀ TƯƠNG TÁC 

Đây là một bài viết và khá dài và bản thân mình cũng không hy vọng tất cả mọi người có thể hiểu hết cặn kẻ nội dung của nó. Tuy nhiên chỉ khi hiểu được các vấn đề trên thì bạn mới có được một cách làm việc phù hợp trong ảnh cưới. Khi bạn đã hiểu bản chất nhiếp ảnh là gì? Và nó có ý nghĩa thế nào thì bạn mới có thể hiểu được việc tương tác ngoài là một giá trị của nhiếp ảnh thì nó còn là bản chất để giải quyết rất nhiều bấn đề mà bạn gặp phải trong quá trình làm việc mỗi ngày. Hiểu được tầm quan trọng của tương tác không những giúp bạn trong định hướng phát triển hình ảnh mà còn có thể giúp bạn giải quyết được rất nhiều vấn đề trong quy trình làm thương mại dịch vụ của bạn, cụ thể như hình cưới chẳng hạn. Nếu bạn để ý kỹ các ý mình viết ở trên , hầu như ý nào cũng liên quan đến việc tương tác. Và hiệu quả của hình ảnh cũng chính là hiệu quả của việc tương tác.
Photo: Harry Benson

Nếu bạn là người qúa mới với nhiếp ảnh, chỉ mới cầm máy 1 thời gian ngắn, hoặc bạn là người chưa bao giờ học lớp 101. Có thể bạn chỉ quan tâm làm sao để posing người mẫu, tạo dáng cô dâu chú rể. Làm sao để họ cười, họ khóc, họ biểu lộ cảm xúc. Nhưng khi bạn hiểu bản chất của nhiếp ảnh là tương tác thì tất cả những lo lắng trên hoàn toàn không còn tồn tại. Lúc đó bạn chỉ cảm nhận không gian thời gian và chính chủ thể của bạn. Để rồi chính bạn sẽ tự đưa ra được một phương pháp phù hợp để tương tác nhằm có hình ảnh như ý muốn.

Để nói hết về khái niệm tương tác này thì có lẻ cần nhiều thời gian hơn. Vì mặc dù chỉ gồm 2 từ tương tác nhưng nó bao hàm nhiều vấn đề từ thấp đến cao. Nó bao gồm những cái cơ bản mà người mới chụp thường gọi là posing hay tạo dáng. Nó bao gồm phong thaí, cách chụp , kỹ thuật chụp, giọng nói, cách cầm máy, cách đi chuyển và tất cả quy trình làm việc với chủ thể… Và mỗi một cái thì lại bao gồm nhiều vấn đề lặt vặt mà mình thường hay nói trong lớp 101, hay các workshop “Nắm Bắt Tâm Lý – Làm Chủ Cảm Xúc” hoặc Workshop “Storytelling Wedding Photography” của Bow101.

Ở đây mình muốn bàn đến một yếu tố tương tác cao hơn các phương pháp kỹ thuật và điều khiển CDCR kìa. Đó chính là việc CẢM NHẬN.
Có một điều tệ hại mà nhiều người chụp cưới dù chụp lâu năm vẫn hay mắc phải đó chính là “công thức hoá” các giá trị nhiếp ảnh thành công thức và phương pháp. Chẳng hạn như thông tin hình ảnh là phải trả lời các câu hỏi bắt đầu từ chữ W như Who, When , Where , What, Why …Rằng hình phóng sự cưới là phải layer này layer nọ, action này reaction kia, kịch tính phải thế này và cảm xúc phải thế kia mới đúng.v,v,v……Tất cả những điều đó không sai tuy nhiên những ai gò ép hình ảnh vào 1 quy trình công thức thường sẽ chụp 1 kiểu hình như bao nhiêu người khác, chủ thể của họ cũng sẽ giống bao nhiêu chủ thể khác. Cách thể hiện của họ cũng là cách thể hiện của hàng trăm ngàn người khác, rất khó để thấy sự khác biệt hoặc quan điểm cá nhân của người chụp. Chẳng hạn như một số người khi tiếp cận nhiếp ảnh một cách máy máy móc thường quan niệm cho rằng hình ảnh phải đạt được 3 yếu tố: Ánh Sáng – Bố CụcKhoảnh Khắc . Khi quan niệm như vậy thì chính họ đã tự trói mình vào một cách chụp theo lối mòn mà thiếu đi sự cảm nhận. Khi bạn đứng trước một không gian, một địa điểm mà trong đầu chỉ nghĩ đến Ánh Sáng , Bố Cục và Khoảnh Khắc thì thường việc đầu tiêm là bạn chọn nguồn sáng, cứ thấy cửa sổ là đứng lại gần, cứ thấy nguồn sáng rõ ràng thì cho chủ thể đứng vào. Kế tiếp là Bố Cục, họ nghĩ phải dùng tiêu cự này tiêu cự kia để có bố cục phù hợp. Cứ có tiền cảnh hậu cảnh là họ phải bám vào tiền cảnh để tạo layer, cứ thấy lỗ hay mảng sáng tối là họ sẽ bám vào để framing khuôn hình. Nó cũng giống như những người mới chụp thấy thành cầu hay thấy hàng cột là phải bám vào thành cầu để thao bố cục lines , bám vào hàng cột để tạo perspective, thấy bụi cây là phải chụp xuyên bụi cây vậy để có tiền cảnh vậy. Rồi sau đó
họ đi tìm cái yếu tố còn lại mà họ gọi đó là khoảnh khắc. Khoảnh khắc của họ chỉ là những hành động , là những biểu cảm cười khóc mà thôi. Trong khi khoảnh khắc không phải chỉ là biểu cảm. Không chỉ là hành động, không chỉ là ngôn ngữ cơ thể. Khoảnh khắc có thể là không gian, là ambiant… Có thể nhiều bạn đọc tới đây cảm thấy mình chụp nhàm chán không có sự khác biệt , không hứng thú và không có đích đến. Dù ở đâu cũng chụp 1 kiểu 1 màu. Bạn nhận ra rằng khi ra ngoại cảnh thì ngoài mở không gian lên trời, ngoài bám ống kính xuống đất , ngoài việc chụp vài tấm CDCR từ xa như con kiến và tấm cận vô biểu cảm nooi1 cười thì bạn chả còn biết chụp cái gì nữa. Tất cả chỉ vì đang bạn bị lệ thuộc vào một công thức dù chưa ai gọi đó là công thức và bạn cũng không ý thức đó là công thức.

Cái bạn đang thiếu chính là thiếu sự CẢM NHẬN. Cảm nhận ở đây chính là CẢM NHẬN KHÔNG GIAN, CẢM NHẬN BỐI CẢNH, và CẢM NHẬN CHÍNH CHỦ THỂ của bạn. Tất cả những bố cục những ánh sáng và những biểu cảm bạn đang mong muốn có không nên là thứ để tính toán và cân đo đong đếm. Nó phải là bản năng. Và cái bản năng đủ mạnh là bản năng dám xoá bỏ chuẩn mực của những thứ đó để đến với đúng tinh thần mà bạn đang muốn thể hiện. Có thể caí vị trí mà bạn đang ngồi khi đọc bài viết này nó xấu xí bê bối và luộm thuộm, ánh sáng lem luốc, nó không giống một chuẩn mực hình ảnh mà bạn nghĩ bạn sẽ chụp cưới tại đó. Nhưng nếu chính bạn cảm thấy rằng chỗ bạn đang ngồi nó lãng mạn hoặc có ý nghĩa đối với CDCR của bạn thì bạn hoàn toàn có thể có được những tấm hình cưới với CDCR tại chính vị trí đó. Vẫn lãng mạn và đúng với tinh thần bạn muốn thể hiện. Bạn tự tưởng tưởng thêm xem nào! Việc cảm nhận không gian và cảm nhận chính chủ thể của bạn giúp bạn tránh được cách tiếp cận theo lối mòn, giúp bạn tranh được việc nhàm chán khi chụp hình một cách sao chép ( Imitation ) người khác. Việc cảm nhận không gian và cảm nhận chủ thể giúp bạn có được ngôn ngữ riêng dù là bạn có cảm hứng hoặc bị ảnh hưởng ( Inspiration ) bởi bất kỳ ai. Và quan trọng hơn hết chính việc cảm nhận sẽ giúp bạn có được cách Tương Tác phù hợp và hiệu qủa nhất đối với chủ thể của bạn.

Thầy mình từng nói một câu: ” Nếu hình ảnh quá chỉnh chu, quá hoàn hảo về bố cục ánh sáng khoảnh khắc thì sẽ làm mất đi sự tò mò của người xem”. Người ta khi xem xong có thể thấy : uh thì đẹp nhưng sau đó sẽ quên ngay. Mình coi đó là ý nghĩa đích thực mục đích tối cao của việc Cảm Nhận. Chứ mình sẽ không đặt câu hỏi hay tạo sự tò mò cho hình ảnh bằng những chiêu thức tạo kịch tính hình ảnh.

Hy vọng qua bài viết có thể giúp được những bạn đang loay hoay với công thức có thể tự trả lời được các câu hoỉ câu hỏi cho chính các bạn. Vì chỉ khi tự trả lời và thông suốt thì mới biết đích đến của mình đâu chứ không còn xoay mòng mòng với các công thức chiêu trò nữa.

————————————————————————

( Bạn có thể xem thêm các video  hoăc bài viết của Bow101 để hiểu rõ thêm về các ý này )    
 https://www.youtube.com/watch?v=BZlO_0R5qKM
https://www.youtube.com/watch?v=4LwmEbS8POo   

Mình tạm thời ngưng bài viết khá dài này ở đây. Nếu có sự hưởng ứng và có thời gian mình sẽ viết thêm về những đề tài sau:  

– GÍA TRỊ THƯƠNG MẠI CỦA ẢNH CƯỚI 
– CÂU CHUYỆN VỀ TƯƠNG TÁC CHỦ THỂ TRONG ẢNH CƯỚI 
– NHỮNG LỐI MÒN TRONG HÌNH CƯỚI VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI
– KỊCH TÍNH HÌNH ẢNH LÀ GÌ ?    
– NHỮNG NHIẾP ẢNH GIA NÊN THAM KHẢO KHI CHỤP CƯỚI.  

Các bài viết đã viết nhiều năm trước : 

3 YẾU TỐ TẠO NÊN GIÁ TRỊ CỦA HÌNH ẢNH
5 ĐIỀU ĐỂ LÀM CHỦ CẢM XÚC VÀ KHOẢNH KHẮC KHI CHỤP CƯỚI
7 YẾU TỐ QUAN TRỌNG KHI CHỤP PHÓNG SỰ CƯỚI
FORM / QUESTIONNAIRE TRONG PHÓNG SỰ CƯỚI
THỤ ĐỘNG CỰC ĐOAN HAY ẢO TƯỞNG
NHƯ THẾ NÀO LÀ NHIẾP ẢNH GIA CÓ KINH NGHIỆM ?
5 CÂU CHUYỆN CẦN BIẾT ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT PHOTOGRAPHER VĂN MINH ? ( PHẦN 1 )
ẢNH CƯỚI: CHUYỆN FREELANCE PHÁ GIÁ VÀ CHỤP FREE
TRÒ CHUYỆN VỀ POSING ẢNH CƯỚI

Facebook Comments

About the author

BOW LE TRINH

Bow LeTrinh là nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt. Anh là người sáng lập Bow101 từ năm 2012 đến nay và đã đào tạo hơn 4000 nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hiện đang làm việc tại Việt Nam cũng như trên thế giới . Anh là được xem là người đã thay đổi thị trường cưới Việt Nam trong 6 năm trở lại đây.

BÀI VIẾT MỚI