fbpx
Home » Bow’s Blog : Chuyện Chụp Cưới – Thông Tin Hình Ảnh

Bow’s Blog : Chuyện Chụp Cưới – Thông Tin Hình Ảnh

Chuyện Chụp Cưới – Thông tin hình ảnh

 

OK đây là tập 2 của Chuyện Chụp Cưới. Mọi người có thể đọc tập 1 tại đây : https://bow101.com/bows-blog-chuyen-chup-cuoi-tap-1/

Ở Chuyện chụp cưới tập này Bow muốn nói về thông tin hình ảnh. Nếu như ngày càng nhiều khách hàng ý thức được giá trị hình ảnh phải có thông tin trong đó chứ không phải chỉ là CDCR đẹp lung linh theo kiểu “teen xoá phông” thì ý thức về thông tin hình ảnh của người chụp sẽ thể hiện như thế nào ? Nhiều người chụp khá tốt về ánh sáng về bố cục về thần thái nhưng ở khâu hậu kỳ thì màu sắc “rực rỡ” quá, “hoàn hảo” hoặc có thể nói là “giả” quá. Những điều đó có thể với một số khách hàng hoặc với 1 số photographer đó là điều tốt nhưng đối với Bow nó thì không hẳn. Như đã nói ở tập một về chuyện tông màu xu hướng và trào lưu sẽ bị lỗi thời, Bow luôn ý thức ghi nhận lại không gian thời gian địa điểm. Hãy tưởng tượng bạn chụp một cặp đôi đang đi dạo bên bờ hồ vào buổi chiều nắng đẹp. Nắng chiều vàng óng nhẹ nhàng trên tóc cô dâu, nắng chiều chiếu qua những cành cây ngọn cỏ, và mặt nước lăn tăn sóng và ánh lên màu bạc của nắng chiều phản chiếu trên mặt hồ, vài cành khô trôi lơ đãng trôi trên hồ. Vậy tại sao trong bộ hình của bạn không có những tấm ghi lại những cái đó ? Chỉ chụp mặt nước mặt nước, cành cây ngọn cỏ .v.v.v và những tấm này không cần phải có  CDCR trong đó. Những tấm này không nhất thiết phải có cô dâu chú rể đó. Chụp riêng những tấm ảnh đó giúp cho pô hình của bạn có thêm thông tin về không gian thời gian và địa điểm. Thể hiện hai người này đang ở trong khung cảnh đẹp và lãng mạn thế nào. Những tấm ảnh này sẽ là những gia vị giúp bộ ảnh của bạn có thêm rất nhiều thông tin và cũng có thêm rất nhiều cảm xúc cho người xem.

Chuyện Chụp Cưới tập 2
Ảnh: Ben B

Xin nhắc lại yếu tố cảm xúc chỉ là một trong vô vàn dạng thông tin mà ngừơi chụp cần thể hiện trên ảnh chứ nó chưa hẳn đã là thứ duy nhất. Về vấn đề kỹ thuật để tạo thêm cảm xúc Bow đã có viết một số bài và sẽ cố gắng viết thêm nữa khi có thời gian. Rất nhiều người chụp thường hay nói rằng trong nhiếp ảnh “kỹ thuật không quan trọng, quan trọng là cảm xúc”, rồi khi bị chê xấu thì bảo “nghệ thuật không có giới hạn, không có quy luật, tôi chụp theo cảm nhận của tôi”, hoặc câu nói phổ biến nhất là “thiết bị không quan trọng, quan trọng là ở do người chụp”. Ok Bow chấp nhận những câu nói đó đúng nhưng người nói phải có một level nào đó về kỹ thuật hoặc có một trải nghiệm hoặc một định hướng nhất định rồi thì câu nói đó mới có giá trị. Khi mình còn chưa được đào tạo nhiếp ảnh tốt, nắm rõ kỹ thuật để làm chủ thiết bị của mình, chưa đủ trải nghiệm để biến tất cả những gì mình nghĩ trong đầu được thể hiện ra trọn vẹn trên ảnh, thì những câu nói đó chỉ là nguỵ biện cho sự kém cỏi của mình. Thậm chí khi nói bạn chụp bằng cảm xúc vậy cảm xúc của bạn thế nào ? Lúc đó bạn suy nghĩ gì ? Hay lúc đó bạn đang suy nghĩ khẩu độ tốc độ iso ? Đang suy nghĩ bố cục của ông A ông B ?  Cái cảm xúc này cũng cần một phương pháp để tìm ra, để phát triển và để duy trì nó.

Trong tất cả các conference về chụp cưới ở nước ngoài mà Bow từng tham dự hoặc được nghe. Khi các photographer nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm, họ thường nói một câu: “Hãy học cách yêu khách hàng của mình”. Ý nghĩa của câu này rất nhiều rất rộng nhưng Bow chỉ muốn đưa một cái key nhỏ gọn nhưng quan trọng cho những ai tìm cách đặt cảm xúc của mình vào trong ảnh, những ai muốn đặt cái tôi cá nhân của mình vào ảnh để người khác hay khách hàng biết đây là hình mình chụp chứ không phải hình của ông A ông B hay hình của thầy mình của thần tượng nào đó của mình chụp vì mình bị ảnh hưởng hoặc chụp cùng 1 style, một loại bố cục ánh sáng v.v.v. Hãy tưởng tượng như vầy: Đứng trước mặt bạn là CDCR, bạn hãy tưởng tượng bạn đang yêu cô dâu đi ……Ack Nghe hơi bậy nhưng không phải ko có lý. Thôi thì bạn hãy tưởng tượng đó không phải là CDCR mà chính là bạn và người yêu của bạn, vợ bạn hoặc người mà bạn yêu nhất ( có khác nhau không ta :))) ). Vậy thì trong không gian thời gian địa điểm bối cảnh này bạn muốn thấy hình ảnh của mình và người mình yêu nhất như thế nào ? Đang đứng trước biển bạn muốn thấy hình ảnh người yêu bạn ôm bạn từ phía sau tựa đầu vào vai bạn nhắm mắt với cảm giác rất an bình và tin tưởng, hay bạn muốn thấy hình ảnh bạn và người yêu bạn hai đứa chỉ là 2 cái chấm nhỏ mờ ảo đang đi dạo giữa một bờ biển rông mênh mông ? Vâng, bạn muốn thấy bạn và người bạn yêu đang làm gì trong một khung cảnh như vầy thì bạn hoàn toàn có thể áp đặt được điều đó lên Cô Dâu và Chú Rể. Mỗi người có một  trải nghiệm sống khác nhau, một suy nghĩ khác nhau, một quan niệm về cái đẹp khác nhau..Vậy thì khi thể hiện sẽ hoàn toàn khác nhau. Và đó chính là cái cách mà bạn đặt cái tôi cá nhân của mình vào ảnh. Một người sến súa có thể trong cùng khung cảnh này muốn thấy anh và em hai đứa cùng nhau dắt xe đạp trên biển, trên xe có bong bóng chóng chóng cm gì đó, hoặc anh và em ngồi trên thảm có hoa trái cây violin piano hoa đào rời tung toé trên…bờ biển :)) Người  hài hước lạc quan thì thích thấy anh cõng em, em cõng anh, cười toe toét, dí nhau trên biển, tạt nước nhau, vật nhau đè nhau ra trên biển .v.v.v Người trầm tính và sâu sắc hơn đôi lúc chỉ muốn thấy 2 bóng dáng mờ nhạt hôn nhau giữa trời biển bao la, hoặc anh và em hai người đứng tựa lưng nhau không nói gì, mỗi người nhìn về một hướng, chỉ cảm nhận không gian thời gian và sự hạnh phúc này. Mỗi người dều suy nghĩ khác nhau thì sẽ thể hiện khác nhau nên đó chính là cách để đặt cảm xúc, đặt cái tôi cá nhân của mình vào ảnh. Đó cũng là cách để hình mình khác biệt với những người khác.  

Nếu các bạn đã từng coi series hướng dẫn posing của Bow trên Bow101 thì dù còn nhiều phần chưa kịp làm để up nhưng cái phần cuối cùng thì phương pháp posing “tối cao” nhất dành cho hình cưới cũng chính là cách đặt cảm xúc đặt cái tôi cá nhân vào ảnh mà Bow vừa giới thiệu ở trên. Tất cả những phương pháp posing A-B-C-D lặt vặt kia chỉ là những cái cơ bản và vớ vẩn cho một người mới mua máy tìm hiểu mà thôi. Bow không thuộc cũng như không quan tâm đến một phương pháp posing nào khác ngoại trừ việc đặt cảm xúc của mình vào ảnh và để CD-CD thể hiện theo như cách mình suy nghĩ lúc đó. 

Tuy nhiên để có thể đặt được cảm xúc vào ảnh, đặt được cái tôi cá nhân vào ảnh để ảnh mình khác biệt với những người chụp cùng style cùng trường phái. Hoặc nói chung là để chụp bằng cảm xúc thì điều tiên quyết đầu tiên là bạn phải có kiến thức nhiếp ảnh cơ bản, phải có kỹ thuật để làm chủ thiết bị tuyệt đối, phải có định hướng về hiệu ứng tiêu cự, định hướng về bố cục, định hướng về ánh sáng, thậm chí định hướng về các phong cách trường phái trên thế giới. Vì nếu không có những định hướng đó có thể cảm xúc của bạn suy nghĩ ra được nhưng có chắc bạn sẽ chụp được, chụp kịp, và thể hiện được cái cảm xúc đó trên cái sản phẩm cuối cùng của bạn hay không. Việc học hỏi nhiều định hướng cơ bản trên sẽ giúp bạn phát hiện ra nhiều cách thể hiện cảm xúc của riêng bạn mà ko ai có được.  

Kết hợp các kiến thức định hướng và phương pháp tư duy đặt cảm xúc vào ảnh. Nó sẽ giúp bạn tránh đi vào lối mòn cứng ngắc mà nhiều người đang mắc phải. Chẳng hạn cũng là bố cục Simplicity có chủ thể nổi bật trên một background đơn giản hoặc đồng nhất. Người máy móc cứ dựa theo câu đó mà chụp dẫn đến trùng lặp và nhàm chán. Thậm chí một số người cố tình chụp “xì tai con kiến” với con kiến càng nhỏ càng tốt. Xét về hiệu ứng thị giác đã chả thấy chủ thể nổi bật gì cả, thậm chí kiếm mỏi mắt mới thấy cô dâu chú rể ở đâu. Xét về bản chất của bố cục lại càng không. Nhưng nếu bạn quan niệm và muốn thể hiện rằng bạn muốn thấy hình dáng chủ thể của bạn nhỏ bé hơn giữa một không gian rông lớn, họ tĩnh lặng hơn và sâu lắng hơn…thì chắc chắn tấm hình của bạn sẽ đạt được hiệu quả cao nhất; vì đó không còn là lý thuyết máy móc của bố cục nữa mà đó chính là bản chất tạo cảm xúc của bố cục. 

Còn tiếp bữa khác viết nha :))

XEM NỘI DUNG CÁC KHÓA HỌC CHỤP ẢNH TẠI ĐÂY 

Facebook Comments

About the author

BOW LE TRINH

Bow LeTrinh là nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt. Anh là người sáng lập Bow101 từ năm 2012 đến nay và đã đào tạo hơn 4000 nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hiện đang làm việc tại Việt Nam cũng như trên thế giới . Anh là được xem là người đã thay đổi thị trường cưới Việt Nam trong 6 năm trở lại đây.

Add Comment

Click here to post a comment

BÀI VIẾT MỚI