Cứ cách một, hai tháng Bow lại nhận được vài tin nhắn, email hoặc cuộc hẹn trực tiếp chỉ để nhờ tư vấn cho cùng một vấn đề:
– Anh ơi, em đang đắn đo phân vân để từ bỏ công việc văn phòng hiện tại để đi theo nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
– Anh ơi sao em theo thể loại nhiếp ảnh này nhiều năm rồi, được nhiều người ghi nhận rồi mà vẫn chưa kiếm được tiền ?
– Anh ơi em muốn từ bỏ thể loại nhiếp ảnh đang kiếm ra tiền (này) để theo đuổi thể loại nhiếp ảnh (kia) nhưng chưa thấy con đường nào có thể đảm bảo về mặt kinh tế…
– Anh ơi em stress vì những hoài bão của em trong nhiếp ảnh mà em đang theo đuổi vẫn chưa thể thực hiện được…
Tóm lại câu trả lời của Bow cho việc “sống bằng nhiếp ảnh dễ hay khó” thường chỉ có vài ý chính như sau:
1. SỰ ĐÁNH ĐỔI:
Ai muốn theo đuổi công việc mình yêu thích, hoặc muốn nhảy sang một lĩnh vực khác, hoặc cụ thể hơn là sống bằng nhiếp ảnh cũng đều phải đánh đổi. Nhẹ thì đánh đổi sự thoái mái, tiện nghi trong cuộc sống hàng ngày. Nặng hơn thì phải đánh đổi sự an toàn để nhận lấy rủi ro. Rủi ro về tài chính, về công việc, về gia đình … Xác định được rủi ro giúp ta tỉnh táo hơn, quyết tâm hơn và giúp cho thời gian đánh đổi và chịu đựng ngắn hơn. Bản thân Bow và nhiều NAG mà Bow quen biết hay hâm mộ đều có quãng thời gian đánh đổi tiện ích cá nhân hay các vấn đề kinh tế để có thể theo đuổi mục đích của mình.
2. KẾ HOẠCH:
Bow không khuyến khích bất cứ ai cứ vất bỏ hết tất cả để được “trở thành chính mình”, để trở thành “nghệ sĩ bay trên trời” sống bụi đời cù bơ cù bất không cần tiền bạc hay gia đình chỉ vì muốn thõa mãn đam mê… Chúng ta đã trưởng thành thì chúng ta cần tỉnh táo để có một kế hoạch cụ thể cho việc thay đổi. Chúng ta cần một sức mạnh, một nguồn lực và một ý chí để đón nhận và xử lý thất bại để bản thân không biến chất và không ảnh hưởng đến gia đình. Một kế hoach cụ thể với từng giai đoạn hay từng bước cụ thể để thay đổi đó là điều mà bất ai có lý trí và sĩ diện và trách nhiệm đều phải nghĩ tới.
3. CỘNG ĐỒNG:
Bạn muốn làm công việc gì? muốn trở thành ai và muốn có mức độ nhận thức ở tầng lớp xã hội nào thì chỉ một mình bạn mong muốn cũng chưa đủ. Bạn cần có các mối quan hệ trong cộng đồng đó, vì chính các mối quan hệ đó sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về cái môi trường mà bạn đang muốn dấn thân vào. Cũng chính các mối quan hệ và cộng đồng đó sẽ là chất xúc tác và là động lực để bạn có thể thõa mình bơi lội trong cái thế giới mà bạn chọn. Cái cộng đồng mà bạn chọn cũng sẽ phần nào đó định hình tính cách và tư duy của bạn. Bạn tiếp xúc với môi trường chợ búa bạn sẽ bị ảnh hưởng tư duy chợ búa. Bạn tiếp xúc môi trường nhân văn bạn sẽ bị ảnh hưởng tư duy nhân văn. Bạn tiếp xúc môi trường với nhiều tư tưởng rộng mở bạn sẽ hình thành tư tưởng rộng mở. Thay vì ngồi trầm trồ về công việc và cái thế giới mà bạn muốn sống trong đó thì hãy bỏ những mối quan hệ bạn nghĩ là cần thiết vào cách kế hoạch đã nói ở trên.
4. ĐAM MÊ:
Đam mê là từ ai cũng có thể dễ dàng nói ra khi theo đuổi một công việc hay thể loại nào và nhất là khi muốn sống bằng nhiếp ảnh. Nhưng Bow nghĩ rằng những bạn nói rằng mình đam mê thể loaị này chứ không phải thể loại kia thì chỉ là ngộ nhận. Đối với nhiếp ảnh khi đam mê thực sự là bạn chụp thể loại gì bạn cũng vui cũng thích. Bạn đam mê hình ảnh nói chung chứ không phải chỉ muốn chụp cái này chứ không chụp cái khác ( tất nhiên là trừ mấy cái thể loaị tào lao mà Bow không tiện nói ra ở đây ). Chỉ khi nhiếp ảnh không còn là một thể loaị cụ thể nào nữa mà chính là tiếng nói của bạn thì lúc đó bạn có quyền ưu tiên lựa chọn cái “ngôn ngữ” nào bạn cảm thấy thoải mái nhất. Khi sự trải nghiệm còn quá ít thì e rằng cái đam mê mà bạn nói nó chưa thực sự là đam mê. Chỉ sợ rằng cái đam mê mà bạn nói đó nó chưa đủ lớn để giúp bạn kiên trì và mạnh mẽ vượt qua khó khăn khi bạn mới nhảy vào.
5. SỰ TỈNH TÁO:
Có thể bạn “ngồi ngoài” và bạn mong ước được như “người trong cuộc”, bạn biết tên những người bạn hâm mộ , bạn biết tên gọi của cái công việc họ đang làm, nhưng có chắc bạn thật sự biết rõ về công việc của họ, những gì họ phải đánh đổi mỗi ngày, những gì họ phải trải qua và những áp lực cũng như rủi ro mà họ đối diện mỗi ngày. Hôm nay bạn yêu thích công việc đó, ngưỡng mộ những người đó rồi khi dấn thân vào bạn có chắc nó vẫn sẽ đẹp đẽ như bạn đã tưởng tượng? Bạn có chắc nó thật sự phù hợp với bạn ? Bạn có chắc đó là những giá trị mà bạn muốn có trong cuộc sống. Để chọn công việc và cuộc sống cho chính mình theo Bow thấy chỉ có 2 cách. Một là cái duyên, là ý trời né cũng không được. Hai là nó xuất phát từ chính nhận thức và ước muốn sâu thẳm bên trong bạn cùng với sự nỗ lực trải nghiệm của bạn. Tuy nhiên sự nỗ lực đó chỉ đem lại kết quả tốt khi bạn tỉnh táo nhận thức được các mà Bow nói bài viết này.
Bow đồng cảm với những trăn trở và hoài bão của các bạn. Khi các bạn hỏi những câu đó thì Bow tin các bạn là những người tử tế, những người muốn mưu cầu những giá trị cao hơn trong cuộc sống chứ không phải chỉ kiếm tiền. Bow chúc các bạn luôn giữ được sự nhạy cảm như một nghệ sĩ nhưng vẫn luôn lý trí và tỉnh táo trên con đường sống bằng nhiếp ảnh mình chọn.
Facebook Comments