fbpx
Home » Ảnh Phóng Sự Cưới Thực Sự Là Gì ?

Ảnh Phóng Sự Cưới Thực Sự Là Gì ?

ẢNH PHÓNG SỰ CƯỚI THẬT SỰ LÀ GÌ ? 

 

Ảnh phóng sự cưới thực sự là gì ?

 

Ảnh phóng sự cưới – Wedding Photojournalism ngày càng phát triển. Nhiều Cô Dâu Chú Rể cũng đã ý thức được giá trị của ảnh cưới phong cách phóng sự nhờ vào việc định hướng thị trường của các Photogrpher.
Tuy nhiên không phải wedding photographer nào cũng hiểu rõ bản chất ảnh phóng sự là gì. Đối với nhiều wedding photographer ảnh phóng sự cưới cũng chỉ là một xu hướng , một trào lưu như bao trào lưu khác từng nổi lên và bị quên lãng đi. Cách tiếp cận của họ vẫn là cách tiếp cận đúng bài bản, trình tự và công thức mà thôi . 

Nội dung bài viết Bow muốn xác định lại bản chất của ảnh phóng sự một cách tóm tắt nhất với hy vọng những wedding photographer có thể tự rút ra ý nghĩa và giá trị hình ảnh của chính mình. 

1. Ghi nhận lại sự việc hay sáng tạo và nói lên suy nghĩ cá nhân ? 

Dù là ảnh phóng sự báo chí hay ảnh phóng sự cưới thì đó cũng chỉ là việc ” ghi nhận lại sự việc”. Sự việc diễn ra trước mắt chúng ta và chúng ta chỉ ghi nhận, chúng ta chọn góc nào và ống kính nào để ghi nhận lại sự việc đó. Ghi nhận lại sự việc có sẵn dù là theo một cách nhìn riêng, cảm nhận riêng, nhưng nó vẫn khác hoàn toàn với thể hiện những suy nghĩ của cá nhân về một sự việc. Ảnh phóng sự không phải là nghệ thuật. và Photographer không phải là Artist cũng vì lý do đó.

 Ảnh phóng sự có một giới hạn của nó đó chính là việc ghi nhận lại sự việc theo một cái khung định sẵn. Cái khung đó có thể là một tính nhân văn, tính cảm xúc nếu xét về ý nghĩa. Cái khung đó có thể là , Moment , là Layers, là Action-Reaction… nếu xét về yếu tố kỹ thuật tạo hình. Những cái khung kỹ thuật đó đã được những Henri Cartier Bresson, Robert Capa, Alex Web mà mấy tiền bối trong Magnum đặt một nền móng quá sâu đậm cho bao thế hệ nhiếp ảnh phóng sự suốt cả trăm năm nay.  Thậm chí nhiều nhà phê bình nghê thuật đương đại trên thế giới đã từng thốt lên rằng: “Hãy để các tượng đài nhiếp ảnh đó được chết đi”    

Nói như vậy không có nghĩa là ảnh phóng sự không có giá trị của nó. Giá trị của nó chính là thời gian tìm hiểu, tiếp cận để đưa “câu chuyện” muốn kể lên hình ảnh. Việc tiếp cận đó có thực sự đã sâu sát vấn đề hay chưa? Đã trung thực hay chưa hay vẫn còn mang tính chủ quan và hời hợt của người chụp. Vậy thì giá trị của câu chuyện bạn muốn kể là gì lại là một vấn đề khác cần phải bàn.  

2. Có được set up hay không ?

Nếu việc lựa chọn giữa việc chụp bắt khoảnh khắc và việc set up thì cái nào có giá trị, cái nào không ?  Bản thân Bow quan niệm nếu ta đã xác định được câu chuyện muốn kể, thông tin và nội dung muốn kể lại bằng hình ảnh thì việc set up đó chẳng có gì sai. Có sai chính là cách tiếp cận chủ thể một cách hời hợt, chụp theo công thức, hay sa đà phô diễn kỹ thuật trong khi chưa thực sự hiểu rõ bối cảnh , sự việc và nhân vật mình muốn thể hiện mà thôi.  

Nếu so sánh việc bạn ra đường chụp lại một bà già bán vé số với khoảnh khắc và khung cảnh thật tình cảm thật xúc động, so với việc Bow mang một cô người mẫu chân dài và hóa trang thành một bà bán vé số rồi set up và chụp lại. thì Bow vẫn có thể tự hào ở tấm hình của mình rằng những set up đó thể được suy nghĩ  của Bow mà việc “ghi nhận lại sự việc” theo cách của bạn có thể không đáp ứng được suy nghĩ đó. Có thể cái cách Bow làm bạn có thể gọi là Conceptual Photography gì thì đối với Bow đó cũng là cách Bow lựa chọn để nói lên suy nghĩ của chính mình.  Bạn cũng có thể tự hào việc bạn bắt được khoảnh khắc và ghi nhận lại sự việc một cách tinh tế theo sự cảm nhận và góc nhìn cá nhân của bạn. Nên dù bạn có bắt bà giá đó ngồi thế nào làm cái gì để bạn chụp thì đó cũng là cách bạn chọn để thể hiện những nội dung mà bạn muốn. Và tấm hình đó của bạn vẫn là hình phóng sự.

3. Thực sự thấu hiểu hay chỉ tiếp cận hời hợt ?

Có thể Bow chụp hình không giỏi hoặc ít chụp nhưng Bow vẫn tự tin ở khả năng nhìn hình ảnh của mình. Nhìn ảnh phóng sự Bow có thể nhìn ra được ai chụp bằng công thức, bằng chiêu trò, phô diễn… Ai là người chụp thực sự đã thấu hiểu nhân vật, sự việc, và đã thể hiện được điều đó bằng con mắt và cá tính của chính mình.  

Bạn đi chụp phóng sự cưới ngay cả mối quan hệ của gia đình CDCR bạn còn chưa thực sự hiểu rõ thì thứ các bạn đang chụp là gì ? Phải chăng đó chỉ là công thức. Bạn thấy Cô Dâu khóc, bạn chụp lại khoảnh khắc đó nhưng bạn có thực hiểu vì sao Cô Dâu khóc ? Cô Dâu khóc vì vui mừng khi cưới được một Chú Rể đại gia hay Cô Dâu khóc vì sự thiếu vắng của một nhân vật nào đó quan trọng trong gia đình. Nếu bạn thực sự thấu hiểu điều đó thì Bow tin cách ghi nhận lại sự việc đó của bạn hoàn khác và sẽ có gía trị cảm xúc hơn nhiều.

Còn xét về mặt kỹ thuật và quy trình thì nếu bạn không hiểu rõ việc gì đang xảy ra thì bạn cũng không thể ghi nhận lại những khoảnh khắc giá trị của một ngày cưới. Chẳng hạn Cô Dâu đang đứng trên sân khấu đọc vài lời gửi gắm tới cha cô dâu thì bạn có biết trước được việc đó không ? Lúc đó bạn đang đứng đâu? Bạn đứng chụp cô dâu trên sân khấu  hay bạn đang đứng cạnh người cha đang xúc động nhưng đứng tuốt ngoài cửa ? 

4. Giá trị hình ảnh nằm ở đâu ?

Nếu bạn từng xem qua các cuốn album phóng sự cưới mà các photographers trong studio của Bow chụp, bạn sẽ rất khó kiếm được một tấm nào quá “đỉnh” để có thể in ra trưng bày, để có thể đem đi thi, hoặc để up lên chạy facebook lấy tiếng. Sẽ không có tấm nào quá “xuất sắc” như vậy. Nhưng nếu bạn xem đầy đủ cuốn album phóng sự cưới đó , bạn sẽ bị cuốn theo cảm xúc của một đám cưới. Bạn sẽ cảm nhận được không gian thời gian. Bạn sẽ cảm nhận đươc mọi cảm xúc của các nhân vật trong ngày cưới đó. Nếu tự nhiên có một tấm hình nào đó quá phô diễn kỹ thuật theo kiểu núp bên này né bên kia, ánh sáng ấn tượng kiểu này kiểu nọ xuất hiện trong cuốn album phóng sự cưới đó, nó sẽ làm Bow bị ” tụt Mood”, nó sẽ làm Bow cảm thấy ngứa con mắt.   

Bạn nghĩ tấm ảnh nào có giá trị với CDCR nhất ? Bạn nghĩ tấm nào họ sẽ in ra và phóng to lên nhất ? Tấm ảnh nào mà khi gia đình họ sum vầy họ sẽ ra cùng xem nhiều nhất ?
Đó không phải  là tấm bạn núp bên này né bên kia để chụp. Đó không phải là bạn chụp xuyên cái này , phản chiếu cái nọ. Đó không phải là tấm bạn bạn bắt khoảnh khắc này hay bạn sử dụng ánh sáng kia. Mà tấm giá trị nhất đối với CDCR đó chính là tấm mà CDCR và gia đình hai bên xếp hàng nhìn thẳng vào ống kính, cười tươi và mặt mũi rõ ràng.  Đó sẽ là tấm họ in ra nhiều nhất, treo lên tường và sau này lật album ra chỉ cho con cháu họ xem mặt ông bà cô bác. Đó cũng có thể là tấm chụp chân dung ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại hay ông cố bà cố, vì nay mai những người đó cũng sẽ “đi về nơi xa”.

5. Phóng Sự Cưới là Commercial ? 

Nếu bạn đã hiểu rõ giá trị hình ảnh phóng sự cưới. Vậy thì tại sao bạn chia ra chụp phóng sự với chụp truyền thống trong ảnh cưới làm gì? Tại sao bạn đi chê trách khách hàng không ý thức được giá trị của phóng sự cưới. Hay chính bản thân bạn cũng chưa thực sự chưa hiểu rõ về giá trị của ảnh cưới. Bạn chỉ tiếp cận hời hợt và chụp theo công thức của một thằng nổi tiếng nào đó của nước ngoài.  Nếu bạn thực sự tương tác tốt với CDCR, bạn thực sự coi họ là bạn bè hay người thân, thì chính bạn cũng sẽ ý thức được tầm quan trọng của những tấm ảnh như vậy, và bạn cũng sẽ nỗ lực hết mình để chụp những tấm ảnh ‘truyền thống” đó một cách đẹp nhất.  

Phóng sự cưới là Commercial, là nhận tiền hay được uỷ thác để chụp. Và commercial có quy tắc của commercial. Bạn cần đảm bảo cover hết nội dung quy trình của một đám cưới, đám ứng được yêu cầu của khách hàng. Nhưng điều đó không có nghĩa là sản phẩm bạn làm ra không có giá trị hoặc không mang dấu ấn cuả mình, thậm chí nó có một giá trị rất lớn và bền vững theo thời gian nếu bạn thực sự hiểu rõ mình đang làm gì.  

6. Học chụp Phóng Sự Cưới ở đâu ? Và học như thế nào ? 

Nội dung bài viết này Bow muốn nhấn mạnh bản chất của Phóng Sự Cưới, giá trị của Phóng Sự Cưới, với hy vọng bạn sẽ hiểu rõ mình đang làm gì ? Tạo ra giá trị gì ? 

Còn các vấn đề về  kỹ thuật như: quy trình, cách quan sát, cách tương tác posing , cách giao lưu tiếp cận CDCR thì đều đã có trong giáo trình Lớp Nhiếp Ảnh 101 .
Nhưng chung quy cho cùng, cái chính nhất, vẫn là bạn phải trả lời được cho chính bạn những câu hỏi cốt lỏi sau: 

– Hình ảnh như thế nào là có giá trị đối với bạn ?  
– Bạn muốn ghi nhận lại cái gì bằng máy ảnh?

Nếu bạn trả lời được hai câu hỏi trên thì bạn chẳng cần phải học ai, bạn cũng sẽ có được phương pháp cho chính mình và sẽ thể hiện được cái riêng của mình. Còn nếu bạn không trả lời được thì mãi mãi bạn vẫn sẽ đi theo công thức và chiêu trò của một ai đó đưa ra mà thôi. Và nếu đã là công thức và chiêu trò thì hôm nay bạn làm được, hôm sau sẽ có hàng trăm hàng hàng người nữa cũng làm được như bạn. Bạn sẽ là ai trong ngay trong cái thế giới  này ?   Một thằng con buôn đúng nghĩa sao ?  


Bow Letrinh
 
Ảnh minh hoạ: Quyen Tat 

 

Facebook Comments

About the author

BOW LE TRINH

Bow LeTrinh là nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt. Anh là người sáng lập Bow101 từ năm 2012 đến nay và đã đào tạo hơn 4000 nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hiện đang làm việc tại Việt Nam cũng như trên thế giới . Anh là được xem là người đã thay đổi thị trường cưới Việt Nam trong 6 năm trở lại đây.

Add Comment

Click here to post a comment

BÀI VIẾT MỚI